Mẫu giấy ủy quyền dùng trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào đó ủy quyền cho người khác thực hiện công việc được ủy quyền. Vậy, giấy ủy quyền là gì? Các trường hợp nào được sử dụng giấy ủy quyền? Hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền khác nhau ở chỗ nào? Các mẫu giấy ủy quyền được dùng nhiều nhất hiện nay?
Những vấn đề cần biết về giấy ủy quyền
Để hiểu cơ bản về giấy ủy quyền, cá nhân cần hiểu được khái niệm giấy ủy quyền là gì?
Giấy ủy quyền là gì?
Ủy quyền là cá nhân/tổ chức này cho phép cá nhân/tổ chức khác thực hiện một hành động, quyết định pháp lý nào đó đồng thời chịu trách nhiệm về việc ủy quyền đó.
Theo đó, giấy ủy quyền là văn bản pháp lý trong đó cho phép người được ủy quyền thực hiện các công việc, quyết định trong phạm vi ủy quyền mà người ủy quyền bàn giao. Các công việc, quyết định ấy được quy định trong giấy ủy quyền. Cụ thể, giấy ủy quyền nhằm hợp pháp hóa quá trình ủy quyền công việc, quyết định của người ủy quyền và người được ủy quyền.
Giấy ủy quyền dùng trong trường hợp nào?
Theo Thông tư 01/2020/TT-BTP, từ ngày 20/4/2020 giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp sau:
- Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ (trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền);
- Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
- Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
- Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Các mẫu giấy ủy quyền thường gặp
Mỗi trường hợp ủy quyền đều có mẫu giấy khác nhau tùy vào đối tượng và nội dung ủy quyền.
Mẫu giấy ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật
Mẫu giấy ủy quyền dành cho cá nhân
Mẫu giấy ủy quyền dành cho doanh nghiệp
Mẫu giấy ủy quyền 13-hsb
XEM THÊM >> Hướng dẫn viết mẫu giấy ủy quyền 13-HSB
Sự khác nhau giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền
Có nhiều người nhầm lẫn giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, đây là hai văn bản hoàn toàn khác nhau. Theo đó, sự khác nhau giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền được thể hiện như sau:
Đối tượng tham gia
- Giấy ủy quyền được ủy quyền đơn phương. Người ủy quyền có thể tự lập và ký, không cần chữ ký của người được ủy quyền. Theo đó, người được ủy quyền không cần tham gia ký kết.
- Hợp đồng ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền và người được ủy quyền. Theo đó, người được ủy quyền bắt buộc tham gia ký kết.
Thời hạn ủy quyền
- Giấy ủy quyền có thời hạn do người ủy quyền quyết định hoặc pháp luật quy định.
- Hợp đồng ủy quyền có thời hạn do hai bên thỏa thuận. Trường hợp hai bên không thỏa thuận, hợp đồng ủy quyền có thời hạn 01 năm (Theo Điều 563, Bộ Luật dân sự năm 2015).
Đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Giấy ủy quyền: người được ủy quyền có quyền không thực hiện nội dung ủy quyền, không phải bồi thường.
- Hợp đồng ủy quyền: người được ủy quyền không thực hiện nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại nếu như đơn phương chấm dứt.
Giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?
Để hợp pháp hóa giấy ủy quyền, người ủy quyền có cần phải công chứng giấy ủy quyền không?
Các trường hợp cần công chứng giấy ủy quyền
Các trường hợp dưới đây bắt buộc phải công chứng giấy ủy quyền:
- Ủy quyền cho người khác tham gia ký kết thỏa thuận nhờ mang thai hộ (Theo Khoản 2, Điều 96, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
- Ủy quyền cho người khác cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch (Theo Điều 2, Thông tư 15/2015/TT-BTP). Tuy nhiên, các trường hợp như đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận lại cha-mẹ-con không được phép ủy quyền.
- Cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất của chủ sử dụng đất, chuyển đổi, chuyển nhượng (Theo Khoản 3, Điều 167, Luật đất đai năm 2013).
- Làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (Theo Khoản 3, Điều 45, Luật lý lịch tư pháp năm 2009).
- Ủy quyền điều tra tại nạn lao động cấp cơ sở. Tuy nhiên, chỉ được ủy quyền trong trường hợp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người thực hiện công tác an toàn lao động, người thực hiện công tác y tế (Theo Khoản 1, Điều 35, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015).
- Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (Theo Khoản 1, Điều 101, Bộ Luật dân sự 2015).
Theo đó, tùy vào từng trường hợp mà người ủy quyền có hay không công chứng giấy ủy quyền. Tuy nhiên, khi thuộc các trường hợp trên thì người ủy quyền phải công chứng giấy ủy quyển theo quy định của pháp luật.
Thủ tục công chứng giấy ủy quyền như thế nào?
Căn cứ Điều 40, 41, 55, Luật công chứng năm 2014 quy định người ủy quyền đến Văn phòng công chứng thực hiện công chứng. Giấy tờ mang theo bao gồm: giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/hộ chiếu, hộ khẩu, dự thảo giấy ủy quyền). Trong trường hợp không lập văn bản ủy quyền có thể đến trực tiếp Văn phòng công chứng/Tổ chức hành nghề công chứng để tạo lập văn bản.
Tuy nhiên, các giấy tờ trên là giấy tờ cần thiết khi đi công chứng giấy ủy quyền, tùy các trường hợp mà công chứng viên yêu cầu các giấy tờ khác nhau.
Kết luận
Mẫu giấy ủy quyền đem đến sự thuận tiện cho người có nhu cầu ủy quyền. Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm hiểu mẫu giấy ủy quyền, người ủy quyền cần biết các trường hợp được ủy quyền, các trường hợp cần công chứng nhằm tránh mất thời gian của bản thân và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Bài viết trên đây mong đem lại thông tin hữu ích cho Quý độc giả!
TIN LIÊN QUAN
- Kiểm tra tình hình hẹn nộp hồ sơ BHXH như thế nào?
- Người lao động nên nghỉ thai sản từ tuần bao nhiêu?
- Quy định về mức trích tiền lương đóng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Lao động được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh như thế nào?
- Quy trình nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp qua thẻ ATM 2024
- Nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? năm 2022
Để lại một phản hồi